Admin

Tin Tức - 2 Tháng Mười, 2019

ĐẶC SẢN ĐẤT CHÍN RỒNG

ĐẶC SẢN KHÔNG THỂ BỎ QUA KHI ĐẾN VÙNG ĐẤT CỬU LONG

1.      Cá lóc nướng trui dân dã

Vùng đất Nam Bộ sông nước mênh mang, kênh ngòi chằng chịt là nơi trú ngụ của hằng hà sa số các loại tôm cá. Nhờ thiên nhiên ưu đãi nên vùng đất này có rất nhiều chủng loại động thực vật trên rừng, dưới biển, trong sông ngòi, kênh rạch, hầu hết loài nào cũng có thể đem ra nướng được. Đến miền Tây chắc chắn không thể bỏ qua món cá lóc nướng trui, ếch nướng đất sét hay chim sẻ nướng sả ớt. Đó là những kiểu nướng hết sức dân dã, là cách nướng khẩn hoang có lịch sử chế biến gắn liền với quá trình khai hoang mở cõi. Trong đó đặc sắc và nổi tiếng hơn cả phải kể đến đa dạng các kiểu nướng cá lóc miền Tây.

Đầu tiên là cá lóc nướng trui. Món cá nướng trui là món ăn phổ biến đến nỗi từ lâu đã đi vào ca dao tục ngữ “Bắt con cá lóc nướng trui/ Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa”. Cá lóc nướng trui có mùi thơm rất đặc trưng không giống với bất kì loại cá nào khác, mùi thơm tỏa ra từ lớp vảy, thớ thịt xen lẫn mùi hơi khét của da nướng. Cá lóc rửa sạch, xiên một thanh tre tươi từ miệng cá đến đuôi rồi cắm các thanh tre xuống đất và phủ rơm khô lên. Người nướng cá có nghề phải lượm sao cho rơm vừa đủ để đốt khi rơm vừa tàn, cá cũng vừa chín. Rơm còn thừa nhiều cá sẽ bị khét hoặc chín quá, mất ngọt; rơm thiếu cá lại không chắc, không dậy mùi thơm.

  1. Chuột Đồng Nướng Muối Ớt

Chuột đồng nướng muối ớt là món nổi bật trong các đặc sản miền Tây được người dân chế biến nhiều sau mùa gặt. Khi những thửa ruộng còn trơ gốc rạ cũng là lúc chuột đồng đã no lúa, béo tốt và chắc thịt nhất. Để làm món thịt chuột ngon, công đoạn sơ chế và chuẩn bị rất quan trọng. Chuột đồng, sau khi bắt hoặc mua về được làm thịt sạch sẽ. Để chuột không có mùi tanh, người đầu bếp đem thịt chuột rửa sạch với muối và gừng. Chờ ráo nước, thịt chuột sẽ được đem ướp đều gia vị sả, ớt, tỏi trong khoảng 20 – 30 phút.

Sau đó, thịt được đem nướng trên bếp than hoa khoảng 30 phút, đến khi chuyển sang màu vàng và hương thơm dậy lên. Khi nướng, muối sẽ ngấm đều, tạo nên hương vị đậm đà của thịt chuột. Những người sành ăn coi chuột nướng như món ăn ngon, bổ, rẻ, thứ đặc sản mà không tìm được đâu khác ngoài vùng sông nước này.

  1. Đuông Dừa Bến Tre

Món ăn này được liệt vào hàng thử thách của Việt Nam trong lòng du khách. Ngay cả người Việt, không phải ai cũng dám ăn món này, một trong những món ăn “kinh dị” của xứ sở đồng bằng này. Đuông dừa là loài ấu trùng sống bên trong thân cây dừa, hút hết chất từ thân cây nên đuông dừa lúc nào cũng béo mập, mút mít và đầy chất dinh dưỡng.

Đuông dừa có thể chế biến thành nhiều kiểu, thế nhưng kiểu ăn phổ biến và thử thách nhất vẫn là thả con đuông béo múp, vàng ươm còn sống vào trong bát nước mắm cốt pha ớt cay rồi đưa cầm con đuông vẫn sống vào miệng, trực tiếp ăn sống. Người dám ăn cho rằng đuông dừa thơm, béo ngậy cộng với vị mặn, cay của ớt tạo nên món ăn ngon tuyệt.

  1. Bánh Xèo Miền Tây

Bánh xèo có mặt ở miền Tây đã từ rất lâu đời, đến nay đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong những buổi hội hè, vui chơi của người dân nơi đây. Bánh xèo miền Tây mang trong mình những nét rất riêng, cái “hồn cốt” của ẩm thực miền Tây Nam Bộ mà không thể lẫn vào đâu được. Điểm khác biệt ở bánh xèo miền Tây đó là kích thước rất lớn và mỏng hơn so với bánh xèo ở những nơi khác. Đặc điểm này tượng trưng cho lối sống thoải mái, phóng khoáng đặc trưng của người dân miền Tây. Thưởng thức một đĩa bánh xèo ở đây thì no nê quên lối về.

Bánh xèo miền Tây là sự kết hợp hài hòa giữa thứ bột gạo quen thuộc cùng thịt ba chỉ béo ngậy, tôm tươi sống, đậu xanh thơm ngon và giá sạch. Sau đó, hỗn hợp bột này được tráng trên những chảo nóng tạo ra một âm thanh “xèo xèo” rất vui tai, nghe thôi cũng đã đủ thèm thuồng. Sau khi chế biến xong, món bánh xèo nóng hổi sẽ được bày ra đĩa, cắt thành từng miếng vừa ăn và được ăn cùng với rau rừng và nước mắm chua chua, ngọt ngọt. Bánh xèo có một hương vị hết sức hấp dẫn, thật không hổ danh là thứ đặc sản “nức tiếng” miền sông nước.

  1. Lẩu Mắm 

Cái tên lẩu mắm nghe không có gì cuốn hút nhưng chỉ khi du khách thưởng thức món ăn này, du khách mới biết được vì sao nó lại có tên là lẩu mắm mà không phải là một cái tên khác lôi cuốn hơn. Nguyên liệu chính của món lẩu mắm không phải là cá, mực cũng không phải là tôm mà là mắm, một món ăn đặc trưng trong nét ẩm thực của người miền Tây. Nhắc đến mắm thì đây là một món ăn được làm từ cá ủ lâu ngày. Ở miền Tây có rất nhiều loại mắm như mắm cá sặc, mắm cá lóc, mắm cá rô đồng… nhưng ngon nhất là mắm cá linh.

ắm cá linh cũng là nguyên liệu chính mà nhiều đầu bếp dùng để chế biến lẩu mắm Cần Thơ. Có thể nói, vị ngon của lẩu mắm sẽ không được như mong muốn nếu thiếu đi vị của mắm Cá Linh. Ngoài mắm được dùng để làm nước lẩu, trong lẩu mắm còn có hơn 10 loại nguyên liệu thịt, cá, tôm, mực, bạch tuộc… và khoảng 20 loại rau nhúng khác nhau. Trong đó, ngoài rau muống, rau cải xanh đã quen thuộc với nhiều du khách du lịch Cần Thơ, trong lẩu mắm  còn có những loại rau gắng liền với cuộc sống của người dân miền sông nước như bông điên điển, bông súng…

  1. Hủ Tiếu Sadec Đồng Tháp

Hủ tiếu Sa Đéc là một trong những đặc sản Đồng Tháp được du khách ưa thích. Rất nhiều du khách có dịp đi du lịch Đồng Tháp đã không quên thưởng thức tô hủ tiếu nóng hổi của xứ Sa Đéc. Hủ tiếu Sa Đéc được lợi thế là ngay tại địa phương có nghề làm bột gạo (nguyên liệu chính cho món hủ tiếu Sa Đéc) truyền thống hơn 100 năm. Nghề làm bột gạo tập trung nhiều nhất ở xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Bột gạo Sa Đéc là sản phẩm nổi tiếng của địa phương được dùng làm nguyên liệu cho các món ăn như hủ tiếu, bánh phở, bún ăn liền và được xuất khẩu ra nước ngoài từ trước năm 1975 cho đến nay. Bánh hủ tiếu Sa Đéc được làm từ bột gạo, có màu trắng sữa, cọng to, sợi mềm, độ dai vừa phải và không bị bở. Nếm thử hủ tiếu Sa Đéc, du khách sẽ cảm nhận được trọn vẹn hương vị đậm đà của nước dùng kết hợp với sợi hủ tiếu trong và dai. Tô hủ tiếu sẽ trở nên đầy màu sắc vô cùng hấp dẫn với một ít giá đỗ, cần tây, hẹ, rau thơm…

Để có món hủ tiếu Sa Đéc ngon và đúng vị, nước dùng là quan trọng nhất. Theo kinh nghiệm nấu hủ tiếu của người dân địa phương trong vùng thì nước dùng muốn đạt được chất lượng cao phải nấu bằng xương ống của heo. Ngoài xương heo, nhớ thêm một ít mực khô, tôm khô, đun lửa cháy liu riu, liên tục vớt bọt để nước dùng trong, ngọt tự nhiên, vị đậm đà. Nguyên liệu quan trọng khác của món hủ tiếu Sa Đéc là thịt nạc băm, thịt nạc nguyên miếng dày, miếng chả vàng cùng với tim, gan, cật… Điểm xuyến để tô hủ tiếu Sa Đéc thêm đẹp mắt là hành lá cắt nhuyễn, đĩa rau tươi gồm giá đỗ, hẹ cắt đôi, cần tây và xà lách. Ăn hủ tiếu Sa Đéc không thể thiếu chén xì dầu và lọ ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm. Gắp một miếng hủ tiếu kèm với miếng thịt luộc và con tép đưa vào miệng, người ăn cảm thấy vị ngọt, mằn mặn, chua cay thật ngon.

  1. Thịt Lợn Muối Chua- Long An

Thịt lợn muối chua là một trong những đặc sản được nhiều người biết đến nhất Long An. Món này nổi tiếng với những miếng thịt ngọt thơm, dai ngon do được lấy từ lợn thả rông chứ không phải chăn nuôi công nghiệp. Người Long An thái mỏng thành các miếng vừa ăn rồi trộn đều cùng thính gạo rang thơm, riềng khô, rượu nếp cái, men lá rừng, rồi ủ theo một phương pháp đặc biệt. Món này ăn cùng với lá sung, lá đinh năng và rất thích hợp làm đồ nhậu. Không chỉ được người dân địa phương yêu thích, rất nhiều khách du lịch tới Long An cũng rất mong muốn được thưởng thức món ăn này và mua về làm quà nữa đấy.

  1. Lẩu Cá Kèo

Lẩu cá kèo là món mang hương vị miền nam đặc trưng. Món lẩu từ cá kèo thường được nấu kèm với lá giang – loại lá có nhiều ở miền Nam và Trung, có vị chua chua, chát chát đặc trưng.

Rau dùng với lẩu cá kèo gồm rau muống, rau nhút và rau đắng, giá, hoa chuối… Mùi thơm từ nồi lẩu cá kèo bốc lên sẽ thơm lừng, khó quên.

 

0903847068